Những quyền của quý vị tại Úc
Gõ cửa bán dạo là gì?
Gõ cửa bán dạo có thể bao gồm người:
- tìm cách bán cho quý vị hàng hóa gia dụng
- đề nghị sửa chữa nhà quý vị
- hỏi quý vị đổi công ty ga, điện, điện thoại hoặc internet.
Khi nào thì người bán có thể tới nhà tôi?
Người bán được phép tới nhà quý vị trong khoảng:
- 9g sáng tới 6g chiều thứ Hai tới thứ Sáu
- 9g sáng tới 5g chiều thứ Bảy.
Họ không được phép đến nhà quý vị vào Chủ nhật hoặc ngày lễ.
Tuy nhiên, khi quý vị đồng ý thì nhà cung cấp hay đại diện có thể tới nhà quý vị bất kỳ lúc nào.
Người gõ cửa bán dạo phải tuân theo luật lệ gì?
Khi đến gõ cửa nhà quý vị, người bán phải:
- nói cho quý vị biết lý do họ tới nhà
- nói cho quý vị biết tên, và họ làm cho công ty nào
- nói cho quý vị biết nếu quý vị yêu cầu họ đi ra là họ phải đi ra (nếu quý vị yêu cầu người bán đi ra, họ không được phép quay trở lại trong ít nhất 30 ngày)
- nói cho quý vị biết những quyền xóa bỏ thỏa thuận của quý vị (phải có cả cách thức quý vị có thể xóa bỏ thỏa thuận)
- ghi đầy đủ chi tiết liên lạc vào bất kỳ thỏa thuận nào mà họ ký thay cho nhà cung cấp
- trao cho quý vị văn bản tất cả thỏa thuận trước khi quý vị ký tên
- không được đòi tiền trong vòng 10 ngày làm việc tính từ lúc ký thỏa thuận
- không được cung cấp hàng hóa giá cao hơn 500 đô-la trong vòng 10 ngày làm việc tính từ lúc ký thỏa thuận
- không được cung cấp dịch vụ trong vòng 10 ngày làm việc tính từ lúc ký thỏa thuận.
Tôi không muốn mua hàng/dịch vụ mà người bán muốn bán cho tôi … tôi có thể làm gì?
- Nói ‘cám ơn tôi không muốn mua’.
- Đừng cảm thấy bắt buộc phải mua bất kỳ cái gì nơi người bán nào tới gõ cửa nhà quý vị.
Luôn luôn nói ‘không’ để từ chối nếu người bán:
- đề nghị món hời khó tin là có thật
- đòi quý vị trả tiền trước khi họ cung cấp bất kỳ hàng hóa hay dịch vụ nào
- có thái độ/hành vi khiến quý vị cảm thấy bất an hay nghi ngại.
Người giả vờ là nhân viên chính phủ
- Một người nào đó tới nhà nói họ làm cho cơ quan chính phủ - chẳng hạn như Sở Thuế Úc hoặc Centrelink.
- Họ hỏi quý vị chi tiết ngân hàng hay thông tin cá nhân, ví dụ như để trả cho quý vị tiền hoàn thuế hoặc tăng trợ cấp Centrelink của quý vị.
- Họ có thể sử dụng những chi tiết này để ăn cắp tiền hay nhân thân của quý vị.
Xin nhớ: Hãy thận trọng nếu có người nào đó tới nhà tự nhận là nhân viên chính phủ. Luôn luôn yêu cầu họ xuất trình thẻ nhân viên. Trong đa số trường hợp, cơ quan chính phủ không tiếp xúc với quý vị theo kiểu này.
Tôi muốn mua hàng/dịch vụ mà người bán muốn bán cho tôi … tôi nên làm gì?
Nếu đồng ý mua hàng/dịch vụ gì đó của người bán, họ sẽ yêu cầu quý vị ký tên vào thỏa thuận. Thỏa thuận này phải
- viết rõ ràng và bằng ngôn từ dễ hiểu
- có đủ tất cả điều kiện
- có tổng giá tiền hoặc cách tính tiền
- có tất cả chi phí bưu điện hay giao hàng
- có tên và chi tiết liên lạc của người bán
- có chi tiết của nhà cung cấp kể cả địa chỉ và chi tiết liên lạc
- có chữ ký của quý vị và người bán
- viết hay in rõ ràng (dù có thể sửa đổi bằng viết và ký tên)
- có thông tin về những quyền của quý vị về việc hủy bỏ thỏa thuận
- dễ hiểu
- có kèm phiếu giải thích những quyền của quý vị nếu quý vị đổi ý.
Xin nhớ: Nếu không nói thạo tiếng Anh, người bán KHÔNG được nhờ con quý vị làm thông ngôn để quý vị ký thỏa thuận. Trước khi ký bất kỳ giấy tờ gì, quý vị nên hỏi lấy bản thỏa thuận bằng ngôn ngữ của mình.
Tôi ký thỏa thuận, rồi đổi ý … tôi có thể làm gì?
Nếu đồng ý mua hàng hay dịch vụ trị giá hơn 100 đô-la của người gõ cửa bán dạo, quý vị có 10 ngày làm việc để đổi ý về thỏa thuận đó. Mười ngày này gọi là thời gian ‘suy nghĩ lại’. Nếu trong khoảng thời gian này quý vị quyết định thỏa thuận đó không đúng ý mình, quý vị có thể hủy bỏ vụ mua bán mà không phải trả phí tổn chi hết.
Trước khi quý vị đồng ý, người bán phải cho quý vị biết là quý vị có quyền này. Nếu quý vị đổi ý trong khoảng thời gian ‘suy nghĩ lại’, người bán hoặc nhà cung cấp không được phép:
- đề nghị quý vị ‘miễn’ (bỏ qua) thời gian ‘suy nghĩ lại’
- gây áp lực để quý vị đồng ý với thỏa thuận
- đòi lệ phí hủy thỏa thuận.
Quý vị có thể hủy thỏa thuận bằng miệng hay bằng thư.
Có người tới nhà và hỏi xem quý vị có muốn đổi công ty ga hoặc công ty điện
- Họ nói với quý vị rằng công ty của họ sẽ cung cấp điện/ga giá hạ và quý vị sẽ tiết kiệm được nhiều tiền.
- Người bán dồn ép quý vị ký thỏa thuận liền.
- Quý vị cảm thấy bị thúc bách và ký thỏa thuận.
- Ngày hôm sau, quý vị quyết định không muốn thỏa thuận đó.
Xin nhớ:
- đừng để bị ép ký thỏa thuận, quý vị có thể yêu cầu người bán để lại thông tin cho quý vị đọc
- nếu quý vị ký tên, rồi sau đó đổi ý, quý vị có quyền ’suy nghĩ lại’
- liên lạc với công ty bán hàng/dịch vụ trong vòng 10 ngày để báo cho họ biết là quý vị đã đổi ý
- công ty bán hàng/dịch vụ không được tính lệ phí gì hết vì quý vị đổi ý.
Muốn biết chi tiết về những hình thức gõ cửa bán dạo có thể là mánh lới lừa đảo, xin vào trang mạng www.scamwatch.gov.au.