Nhờ những thông tin dưới đây, quý vị dễ có quyết định đúng đắn khi mua xe.
Trước khi mua xe
1. Nghiên cứu
- So sánh giá cả quảng cáo trên báo và trên mạng internet. Hãy đi tới những điểm bán xe khác nhau.
- Quý vị có thể trả giá, đặc biệt nếu mua xe cũ.
- Trong các tạp chí và trên trang mạng về xe cộ có thể có những thông tin về hiệu năng của xe, tốn xăng nhiều hay ít, các đặc điểm về an toàn và các chi tiết khác.
- Tìm hiểu về chi phí bảo trì thường xuyên cho các loại xe khác nhau. Ví dụ như đối với xe ngoại có khi quý vị phải tốn nhiều tiền hơn khi bảo trì hoặc sửa xe.
- Những trang mạng dưới đây có thể có thông tin có giá trị:
2. Khảo giá khi vay tiền và mua bảo hiểm
- Đa số điểm bán xe có môn bài đều cho vay tiền. Tuy nhiên, có khi đây không phải là hình thức ít tốn tiền nhất hoặc có lợi nhất cho quý vị.
- Ngoài ra quý vị cũng nên hỏi lãi suất và lệ phí của các ngân hàng, cơ sở tài chính như credit union và những nơi khác có cho vay tiền.
- Đừng ký hợp đồng mua xe cho đến khi quý vị đã có nơi chấp thuận cho quý vị vay tiền.
- Dù không bắt buộc, nếu mua xe, tốt nhất là quý vị nên mua bảo hiểm. Nhờ có bảo hiểm, quý vị đỡ bị tốn nhiều tiền khi đụng xe hoặc xe bị ăn cắp, bị hư hay bị phá hoại.
- Quý vị có thể mua bảo hiểm của hãng bảo hiểm nào cũng được. Quý vị phải nhớ tính luôn chi phí bảo hiểm vào số tiền dành ra để mua xe.
- Chi phí bảo hiểm của mỗi loại xe mỗi khác và quý vị thuộc thứ hạng người lái xe nào. Ngoài ra, có khi quý vị cũng phải trả lệ phí cao hơn nếu quý vị hoặc người nào khác dưới 25 tuổi sẽ lái chiếc xe đó.
3. Chọn cách thức mua xe tốt nhất
- Thông thường, khi mua xe mới, chúng ta mua ở tiệm bán xe có môn bài.
- Tuy nhiên, quý vị cũng có thể mua xe cũ tư nhân bán hoặc tại nơi bán đấu giá. Quý vị phải chọn cách mua xe nào thích hợp nhất với mình.
- Mua xe tư nhân bán hoặc tại nơi bán đấu giá có khi rẻ hơn nhưng rủi ro hơn vì luật pháp không bảo vệ quý vị chặt chẽ như khi mua xe của tiệm bán xe có môn bài. Ngoài ra có khi quý vị cũng không được coi/kiểm tra chiếc xe trước khi mua.
- Quý vị được luật pháp bảo vệ chặt chẽ hơn nếu mua xe của tiệm bán xe có môn bài. Ví dụ như quý vị có quyền đổi ý trong vòng ba ngày sau khi ký hợp đồng mua xe.
- Quý vị cũng được bảo đảm khi mua xe của tiệm bán xe có môn bài. Bảo đảm ở đây có nghĩa là quý vị sẽ không phải tốn tiền nếu chiếc xe bị hư những thứ nhất định sau khi quý vị mua chiếc xe đó.
- Cả nơi bán xe có môn bài lẫn tư nhân đều bán xe trên mạng. Hãy cẩn thận khi mua chiếc xe mà quý vị không tận mắt coi/kiểm tra.
- Hãy nhờ người nào quý vị tin tưởng khách quan coi/kiểm tra tình trạng máy móc trước khi quý vị mua xe.
- Hãy coi chừng nếu thấy mục quảng cáo trên mạng rao bán xe giá rẻ mạt. Đây có thể là mánh khóe lừa đảo gài quý vị trả trước tiền đặt cọc mà thực tế thì không có chiếc xe đó.
Khi mua xe
1. Ký hợp đồng
- Đừng cảm thấy phải ký hợp đồng. Hãy từ từ đọc để hiểu rõ hợp đồng. Nếu đọc không hiểu hợp đồng, quý vị hãy nhờ người nào khác biết đọc hợp đồng đó.
- Tìm cách không ký hợp đồng vào lần đầu tiên khi thấy chiếc xe. Hãy từ từ để xem liệu chiếc xe đó có phải là chiếc xe đúng ý quý vị sau khi rời khỏi nơi bán xe đó hay không.
- Nếu có điểm nào trong hợp đồng mà quý vị không đồng ý, quý vị hãy thảo luận điểm đó với người bán xe. Quý vị có thể sửa đổi điều khoản trong hợp đồng.
2. Đổi ý
- Xin nhớ, nếu ký hợp đồng mua xe của tiệm bán xe có môn bài, quý vị có thể ‘đổi ý’ trong vòng ba ngày làm việc, tức là quý vị có ba ngày làm việc để đổi ý về việc mua chiếc xe này.
- Nếu quý vị quyết định đổi ý trong vòng ba ngày, tiệm bán xe có thể giữ lại:
- 400 đô-la hoặc hai phần trăm giá xe, tùy khoản nào lớn hơn (đối với xe mới), hoặc
- 100 đô-la hoặc một phần trăm giá xe, tùy khoản nào lớn hơn (đối với xe cũ).
3. Bảo đảm
- Xin nhớ khi mua xe của tiệm bán xe có môn bài, xe đó sẽ được bảo hành. Nhờ đó quý vị không phải trả tiền để sửa những lỗi có khi chiếc xe sẽ bị trong tương lai. Thời hạn bảo hành có thể khác nhau đối với xe mới. Khi mua xe của tư nhân hoặc tại nơi đấu giá thì không có bảo hành.
- Khi mua xe cũ của tiệm bán xe có môn bài, họ phải bảo hành chiếc xe nếu chiếc xe:
- cũ dưới 10 năm, và
- chạy dưới 160.000 cây số.
- Thời hạn bảo hành pháp định cho xe cũ là ba tháng hay 5.000 cây số, tùy điều nào xảy ra trước. Nếu chiếc xe bị hư trong thời hạn bảo hành thì nơi bán xe phải sửa chữa để bảo đảm chiếc xe ở trong tình trạng chấp nhận được cho số năm của xe.
- Ngay cả khi đã hết thời hạn bảo hành pháp định, theo Luật Người tiêu dùng của Úc (Australian Consumer Law) quý vị vẫn có quyền lợi nếu xe bị trục trặc. Tuy nhiên, mức độ bảo vệ sẽ tùy thuộc những yếu tố như xe cũ bao nhiêu năm và tình trạng xe.
- Nơi bán xe có khi cũng mời quý vị kéo dài thêm thời hạn bảo hành. Trong trường hợp này, thời hạn bảo hành nguyên thủy của hãng xe sẽ được triển hạn, thông thường, quý vị phải trả thêm tiền. Quý vị không bắt buộc phải mua thêm thời hạn bảo hành.
4. Biết rõ tổng số tiền phải trả thực sự
- Khi mua xe tại nơi bán xe có môn bài, quý vị phải hỏi ‘tổng’ giá tiền. Tổng giá tiền bao gồm những chi phí khác như thuế trước bạ (stamp duty) và đăng bộ xe.
Sau khi mua xe
1. Bảo trì xe
- Quý vị phải bảo trì xe đều đặn để duy trì xe trong tình trạng tốt cũng như giá trị của xe.
2. Sửa xe
- Khi chọn thợ sửa xe, quý vị hãy tìm hiểu xem người đó có là hội viên của những hiệp hội như RACV và VACC (Victorian Automobile Chamber of Commerce - Phòng Thương nghiệp Xe cộ Victoria), vì hội viên những hiệp hội này phải tuân thủ bản điều lệ hành sử.
- Khi đem xe đi bảo trì, quý vị giải thích cho thợ sửa xe hiểu rõ họ cần phải làm những gì cho chiếc xe.
- Hỏi chi phí ước tính trước, tốt nhất là bằng văn bản.
- Đôi khi thợ sửa xe có thể phát hiện chiếc xe bị hư những cái khác. Quý vị phải nhớ dặn thợ sửa xe gọi điện cho quý vị trước khi họ bắt đầu sửa những cái khác cho chiếc xe mà quý vị chưa đồng ý. Quý vị phải lấy giấy khảo giá trước khi đồng ý để cho họ sửa những cái khác đó cho chiếc xe.
- Nếu quý vị và thợ sửa xe tranh cãi với nhau về chi phí sửa xe, Cơ quan Bảo vệ Người tiêu dùng Victoria (Consumer Affairs Victoria) có thể giúp giải quyết vấn đề. Muốn biết chi tiết, xin xem trang Giải quyết tranh cãi.
3. Thuê/mướn xe
- Nếu thuê/mướn xe, công ty cho thuê/mướn xe phải bảo đảm chiếc xe phải ở trong tình trạng thích hợp.
- Quý vị phải nhớ đọc và hiểu thỏa thuận thuê/mướn xe trước khi ký tên. Nếu đọc mà không hiểu thỏa thuận, quý vị hãy đưa cho người khác biết đọc thỏa thuận đó đọc giùm.
- Quý vị phải biết rõ ai sẽ chịu trách nhiệm nếu xe bị hư hại. Ví dụ như chi phí bảo hiểm là bao nhiêu?